Sep 21, 2012

Osaka jo (1)

Đến Osaka mà không ghé thăm Osaka jo thì coi như chưa đến. Đây là một quần thể gồm 13 tòa kiến trúc được chính phủ Nhật xếp vào dạng di sản văn hóa đặc biệt, được bảo vệ nghiêm ngặt. Osaka jo được coi như một trong vài tòa lâu đài quan trọng nhất đảo Phù Tang, từng giữ vai trò then chốt trong lịch sử quốc gia vào thế kỷ XVI. Ban đầu, nó là ngôi chùa trên nền cung điện hoàng gia Naniwa, sau đó được Toyotomi Hideyoshi dựng lại thành tòa lâu đài như ngày nay.


Con đường dốc dẫn vào Osaka jo



Cổng Sakura dẫn vào lâu đài




Lịch sử Osaka jo (theo Đoàn Xuân Hải)

Khu đất này xưa kia có một ngôi chùa tên Ishiyama Hongan-ji. Năm 1583, lãnh chúa Toyotomi Hideyoshi khởi công xây dựng trên nền chùa ấy một lâu đài mang tên Osaka, đến năm 1598 thì hoàn thành. Khi Hideyoshi qua đời, lâu đài Osaka được truyền cho con trai là Toyotomi Hideyori. Thời xưa, quần đảo này có nhiều lãnh chúa và chư hầu cát cứ khắp nơi, trong đó thành trì Osaka (Osaka castle) chiếm vị trí xung yếu về mặt quân sự và đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình thống nhất Nhật Bản. Nói cách khác, một khi muốn làm bá chủ thiên hạ, trước hết phải làm chủ thành Osaka. Đó là lý do khiến lãnh chúa Tokugawa Ieyasu sau khi đánh bại Hideyori trong trận Sekigahara, đã kéo quân xuống phía nam để chiếm thành Osaka. Theo sử sách, trận đánh Sekigahara diễn ra vào tháng 10.1600 tại tỉnh Gifu ở miền Trung, nơi nổi tiếng về ngành sản xuất kiếm cho samurai được đưa vào nhiều bộ phim và đề cập đến trong quyển tiểu thuyết Shogun của nhà văn Mỹ James Clavell (đã được dịch sang tiếng Việt).

Muốn vào được bên trong để chiếm lâu đài, phải băng qua một vòng hào ngập nước sâu và 4 bức tường thành cao hơn chục mét làm bằng đá granite có những lỗ châu mai dành cho xạ thủ. Khi đã lọt vào bên trong, phải đi một đoạn xa, băng qua công viên, rồi lại đụng thêm 2 con hào cùng với những bức tường thành cao chót vót, cũng làm bằng đá granite, cũng có những lỗ châu mai, thì mới nói đến chuyện đặt chân lên bậc thềm của lâu đài. Tóm lại, con đường tiến chiếm lâu đài Osaka không dễ chút nào mặc dù nó nằm trên khu đất chỉ rộng có 1 km2. Do đó, yếu tố phòng thủ quan trọng bậc nhất của lâu đài nằm ở các con hào. Kinh thành Huế của Việt Nam cũng được thiết kế theo kiểu này.






Lâu đài Osaka bị vây hãm 2 lần bởi Tokugawa Ieyasu. Trong cuộc vây hãm vào năm 1614, đại bác do Tokugawa nã vào thành quá ác liệt đã khiến bà Yodogimi - thân mẫu của Hideyori vô cùng khiếp sợ. Một hiệp ước ngừng bắn được ký, theo đó nhà Toyotomi phải ra đi, giao lại lâu đài Osaka cho nhà Tokugawa. Các con hào bao quanh lâu đài sau đó đã được lấp lại bằng cát theo lệnh của Tokugawa. Sở dĩ phải lấp các con hào này vì không thể xua quân tiến đánh như trên chiến trường đồng bằng, đó là chưa kể các samurai có thể bị chết đuối nếu không... biết bơi. Về chiến thuật, san lấp các con hào đồng nghĩa với việc triệt tiêu khả năng phòng thủ vốn có của Hideyori. Mùa hè 1615, lợi dụng lúc Tokugawa kéo quân ra khỏi Osaka, Hideyori sai quân sĩ đào lại các con hào đã bị lấp. Nghe được tin này, Tokugawa rất tức giận trước sự bội ước của nhà Toyotomi nên đã huy động toàn bộ chiến binh tổng tấn công vào lâu đài và đánh bại quân của Hideyori. Lâu đài Osaka thất thủ, Hideyori cùng thân mẫu tự sát. Ngày nay có một bia đá tưởng nhớ nơi hai mẹ con lãnh chúa Toyotomi Hideyori kết liễu đời mình đặt trong khuôn viên lâu đài.

Sau khi chiếm được lâu đài Osaka, Tokugawa Ieyasu lên làm Shogun (Tướng quân), trở thành bá chủ thiên hạ (mở ra thời kỳ Edo kéo dài đến năm 1868), quyền lực trên cả nhà vua. Năm 1620, người thừa kế ngai vị Tướng quân là Tokugawa Hidetada (con trai của Shogun Tokugawa Ieyasu) tiến hành tái xây dựng lâu đài Osaka với tòa tháp chính cao 5 tầng ở phía ngoài và 8 tầng bên trong. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, bị sét đánh, hỏa hoạn, trúng bom đạn…, lâu đài Osaka được trùng tu và mang dáng vẻ hiện hữu - đúng theo ý đồ thiết kế như hồi thế kỷ 17. Trên mái ngói của lâu đài có những họa tiết mà nếu bạn nhìn thấy nó màu vàng, thì đó chính là vàng thật.

No comments:

Post a Comment